Chế tài nào nếu DN bảo hiểm vi phạm công bố thông tin?

Chế tài nào nếu DN bảo hiểm vi phạm công bố thông tin?

(ĐTCK) Kể từ ngày 1/10, các DN bảo hiểm và chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) theo Thông tư 125/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm.

Chế tài nào nếu DN bảo hiểm vi phạm công bố thông tin? ảnh 1Công khai thông tin tài chính là thách thức không nhỏ đối với DN kinh doanh kém hiệu quả

 

Nhiều DN đã sẵn sàng

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có sự tham gia của 57 DN bảo hiểm và 32 văn phòng đại diện của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài.

Khảo sát của ĐTCK tại một số DN bảo hiểm cho thấy, hầu hết đều đã sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ CBTT theo quy định mới, bởi trước đó, Thông tư 156/2007/TT-BTC đã đề cập đến việc công khai thông tin của DN bảo hiểm. Không đợi đến khi  Thông tư 125/2012 được ban hành, một số công ty chưa phải là công ty đại chúng như Toàn Cầu, hay hoạt động theo mô hình TNHH như Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ (do Tập đoàn Bảo Việt nắm 100% vốn), hay Bảo hiểm PVI và PVI Re (do CTCP PVI sở hữu vốn 100%), hay công ty 100% vốn nước ngoài như VietinBank Aviva, Fubon, Bảo Việt Tokyo Marine đã thực hiện nghiêm túc việc CBTT như các DN hoạt động theo mô hình công ty đại chúng, công niêm yết.

“Quy định cũ không đề cập rõ DN bảo hiểm phải công bố những nội dung gì trên mặt báo cũng như trên website của DN, thậm chí còn trao quyền tự chủ cho DN khi quy định DN tự quyết định việc công bố công khai các thông tin trong BCTC trên website. Do vậy, nhiều DN bảo hiểm gần như bỏ quên phần việc này”, đại diện một DN môi giới bảo hiểm trong nước cho biết.

Thực tế, việc CBTT của các DN bảo hiểm trước đó được thực hiện khá tùy hứng. Ví dụ, các DN chủ yếu công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mà không công bố kèm theo báo cáo kiểm toán. Với việc ban hành Thông tư 125/2012, các DN bảo hiểm đã thuận lợi hơn trong việc triển khai CBTT. Trong đó, Thông tư có quy định rõ, DN bảo hiểm phải công bố báo cáo thường niên và báo cáo tài chính năm sau kiểm toán (tóm tắt) trên báo trung ương và báo địa phương, nơi DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đóng trụ sở chính trong 3 số báo liên tiếp.

Tuy nhiên, việc chấp hành nghĩa vụ CBTT không dễ dàng được thực hiện tốt ở mọi DN trong ngành bảo hiểm. Với tâm lý “đẹp khoe, xấu che”, chắc chắn, việc công khai những thông tin về tình hình tài chính là một thách thức không nhỏ với các DN bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

 

Sẽ ban hành chế tài xử lý vi phạm CBTT

Để hoạt động CBTT của các DN bảo hiểm đi vào nền nếp, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm quy định về CBTT. Tuy nhiên, quy định pháp lý hiện hành (Nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm) chỉ có quy định phạt đối với DN bảo hiểm không thực hiện công bố một số thông tin về tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN bảo hiểm; nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động; vốn điều lệ; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; hoặc không công bố, công bố không đúng thời hạn, công bố sai sự thật một trong những nội dung hoạt động và thay đổi đã được Bộ Tài chính chấp thuận như: tên DN; vốn điều lệ; mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện; chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên; chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức DN…

Trao đổi với ĐTCK, Cục  Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đang trong quá trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2009. Tại dự thảo này, sẽ bổ sung các chế tài xử phạt đối với vi phạm trong việc CBTT của DN bảo hiểm theo Thông tư 125/2012.    

Theo Thông tư 125/2012, DN bảo hiểm không chỉ phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài toàn bộ nội dung báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán của DN, chi nhánh kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập, DN bảo hiểm còn phải công bố công khai trên báo trung ương và báo địa phương nơi DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đóng trụ sở chính trong 3 số báo liên tiếp các thông tin gồm báo cáo thường niên và BCTC tóm tắt. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố công khai các thông tin, DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải gửi bản chính hoặc bản sao các thông tin đã công bố đến Bộ Tài chính.