Chất lượng nguồn nhân lực, nỗi lo thường trực ngành bảo hiểm

Chất lượng nguồn nhân lực, nỗi lo thường trực ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có trên 90% cán bộ bảo hiểm chưa được đào tạo bảo hiểm, họ chỉ được  hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Điều này đang đặt ra vấn đề lớn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển bền vững của thị trường. Dưới đây là ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2020, do Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Để nâng cao chất nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, IRT phải thực sự trở thành trường nghề, trung tâm đào tạo nghề nghiệp bảo hiểm lấp vào khoảng trống đào tạo hiện nay. Trước mắt, trong giai đoạn 2016-2020, IRT cần xây dựng chương trình học và giáo trình giảng dạy bài bản cho cán bộ bảo hiểm từ chuyên ngành khác đã được tuyển dụng vào các vị trí của DNBH.

Theo thống kê có đến trên 90% cán bộ bảo hiểm chưa được đào tạo bảo hiểm, họ chỉ được hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, hoặc tập huấn triển khai quy tắc điều khoản biểu phí. Vì vậy, khi gặp phải những vấn đề chưa được hướng dẫn, họ không có kiến thức để đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Chưa kể tới, nhiều trường hợp chưa hiểu rõ chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm hoặc nghiệp vụ bảo hiểm nên vận dụng quy tắc “linh hoạt” tới mức làm bừa, làm ẩu, có thể gây hậu quả nghiệm trọng.

PGS. TS Hoàng Mạnh Cừ, Học viện Tài chính

Dù đã tăng lên đáng kể nhưng số lượng nhân sự ngành bảo hiểm tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với dân số và tốc độ phát triển của thị trường như hiện nay, chưa kể tới các nước có thị trường bảo hiểm phát triển như Mỹ (2 triệu nhân lực ngành bảo hiểm).

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đã đưa chuyên ngành bảo hiểm vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, do chỉ tiêu quá ít nên số lượng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành cung ứng cho thị trường đến nay vẫn chỉ như “muối bỏ bể”.

Các cơ sở đào tạo nên chăng dành ít nhất 3%-5% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vào chuyên ngành bảo hiểm. Với tỷ lệ trên, ước tính sẽ có thêm khoảng 600-700 sinh viên chuyên ngành bảo hiểm mỗi năm. Con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm sau, đảm bảo giải quyết đủ nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của thị trường. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các cơ sở giáo dục đưa môn học bảo hiểm là học phần bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành đào tạo.

Bà Hồ Thủy Tiên, Trường ĐH Tài chính

Do thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn nên các DNBH đã tạm thời tuyển dụng từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm, sau một vài năm công tác, các nhân sự này được đề bạt lên những vị trí chủ chốt trong DNBH. Điều này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho riêng DNBH mà còn cho cả thị trường.

Giải pháp cho vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bảo hiểm, theo tôi, DNBH cần chú trọng tuyển dụng các đối tượng là sinh viên được đào tạo chuyên ngành bảo hiểm; xây dựng quy trình thăng tiến đối với từng chức danh trong công ty. IRT cần liên kết với nhiều tổ chức đào tạo quốc tế về bảo hiểm để mở các khóa đào tạo và cấp bằng quốc tế trung hạn và dài hạn ở các chuyên ngành cao cấp, chuẩn bị cho sự cạnh tranh và hội nhập về nhân lực quốc tế;...

Bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT),

Bộ Tài chính

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam 2011-2020, nguồn nhân lực cần thiết  đến năm 2015 đối với lĩnh vực nhân thọ là gần 350.000 người; với lĩnh vực phi nhân thọ là gần 180.000 người. Đến năm 2020, ước tính số nhân lực này cần tăng gấp đôi, chưa kể tới nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động tái bảo hiểm, đầu tư. Với nhu cầu lớn như vậy, mặc dù nguồn nhân lực đã tăng nhanh trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được thị trường.

Hiện tại, luật pháp mới chỉ quy định tiêu chuẩn cho một số chức danh, vị trí quản trị, điều hành cấp cao và cấp trung (phòng/ban) ở mức thấp theo chuẩn mực của Hiệp hội quốc tế Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (IAIS), tương ứng với mức độ phát triển của thị trường bảo hiểm mới nổi. Do đó, tính chuyên nghiệp và ổn định của nguồn nhân lực bảo hiểm còn thấp so với yêu cầu của thị trường, dẫn tới chất lượng dịch vụ cung cấp chưa cao, không đồng đều.

Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đưa ra lộ trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành bảo hiểm. Theo đó, giai đoạn 2015-2016 sẽ xây dựng tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu chuyên môn cho từng vị trí nhân sự cụ thể; 2015-2020 tiếp tục mở rộng địa điểm thi tập trung, nâng tỷ lệ thi tập trung lên 50% số lượng các kỳ thi đại lý bảo hiểm; 2016-2017 xây dựng khung chương trình đào tạo theo các chức danh; 2016-2020 xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng đủ yêu cầu; năm 2018 thực hiện các kỳ thi theo tiêu chuẩn chứng chỉ nghề nghiệp và từ năm 2018 trở đi sẽ đào tạo và hoàn thiện các chức danh.

Tin bài liên quan