Qúa trình hội nhập làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm trên thị trường

Qúa trình hội nhập làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm trên thị trường

CEO bảo hiểm chia sẻ cơ hội, thách thức của hội nhập

(ĐTCK) Tại Hội nghị thường niên Tổng giám đốc (CEO) các DNBH nhân thọ và Hội nghị CEO phi nhân thọ năm 2015, người đứng đầu các DNBH trên thị trường đã thảo luận về không ít những cơ hội và thách thức, may và rủi đang và sẽ tác động tới lĩnh vực này. Bên cạnh cái tên TPP, những diễn biến mới của nền kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt của DNBH.

“Ngôi sao” TPP

Hội nghị CEO DNBH nhân thọ và phi nhân thọ năm nay diễn ra trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam chuẩn bị kết thúc kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) phát triển thị trường bảo hiểm của Bộ Tài chính và bước vào kế hoạch 5 năm tiếp theo nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dưới sự chủ trì của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các CEO bảo hiểm đến từ 29 DNBH phi nhân thọ, 17 DNBH nhân thọ đã cùng đánh giá những cơ hội, thách thức đối với toàn ngành bảo hiểm nhìn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) đã được ký kết và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU kết thúc cơ bản đàm phán.

Nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức mới chỉ là bước đầu trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của DN, bởi vậy, các CEO bảo hiểm cần phải có biện pháp để tận dụng triệt để các cơ hội và chuẩn bị tốt nhất cho những rủi ro và thách thức có thể gặp phải.

Tại cả 2 hội nghị, một nhận định chung được đưa ra đó là làn sóng FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên dẫn đến nhu cầu về bảo hiểm gia tăng khi Việt Nam tham gia 2 hiệp định trên, cũng như tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Cụ thể, TPP buộc các ngành nghề dệt may, giày da, giao thông vận tải, du lịch, nông nghiệp,… tại Việt Nam phải tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng qui mô và sự phát triển, làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm trên thị trường.

Về lĩnh vực bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam bổ sung: “Việc Việt Nam trở thành thành viên của AEC vào cuối năm 2015 sẽ giúp dỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện hoạt động kinh doanh thuận lợi khiến cho doanh nghiệp và công dân ASEAN vào hoạt động tại Việt Nam. Từ đó làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển”.

Bên cạnh cơ hội, các CEO bảo hiểm còn nhìn nhận thẳng thắn những thách thức mà họ sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay. Với khối bảo hiểm nhân thọ, thách thức lớn nhất nằm ở việc phát triển đội ngũ đại lý bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp trước yêu cầu hội nhập sâu.

Đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ, các DNBH hoạt động tại Việt Nam sẽ phải tăng cường năng lực cạnh tranh để vững bước trong cuộc đua với DNBH tại khu vực ASEAN và các nước tham gia TPP, khi các DN này xin cấp phép hoạt động hoặc sẽ bán sản phẩm qua môi giới tại Việt Nam. 

May rủi tiềm ẩn

Chia sẻ với ĐTCK, một CEO bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận, bên cạnh cơ hội và thách thức đến từ hội nhập, còn có sự tác động đến từ những diễn biến của nền kinh tế. Cụ thể, đó là việc hoàn tất cơ bản quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ sở kinh tế công lập (bệnh viện, trường học, sân bay, cảng biển, nhà văn hóa thể thao,…); số lượng doanh nghiệp tư nhân gia tăng dẫn đến nhu cầu bảo hiểm tăng cao.

Bên cạnh đó, mức độ già hóa dân số lớn trong tương lai gần khiến nhu cầu bảo hiểm hưu trí tự nguyên gia tăng, tạo cơ hội lớn đối với khối nhân thọ. Việc tăng  viện phí và thu nhập được cải thiện của người dân Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại VN cũng góp phần kích hoạt thêm nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe.

Tiềm năng tăng trưởng là hiện hữu, nhưng song hành với đó là những thách thức. Đối với khối phi nhân thọ, một số DNBH sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, dẫn tới giảm sút nguồn doanh thu từ các doanh nghiệp góp vốn trước đây.

Chưa kể tới việc, sẽ có một số DNBH vì bị cạnh tranh gay gắt hoặc tăng trưởng qua nóng, không thể kiểm soát rủi ro dẫn đến 2 năm liên tục lỗ một số nghiệp vụ, bị buộc phải báo cáo Bộ Tài chính và thực hiện phương án khắc phục theo yêu cầu của cơ quan này. Thậm chí, trong trường hợp DNBH lâm vào tình cảnh kiểm soát đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, dù là DNBH nhân thọ hay phi nhân thọ.

Nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức mới chỉ là bước đầu trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của DN, bởi vậy, các CEO bảo hiểm cần phải có biện pháp để tận dụng triệt để các cơ hội và chuẩn bị tốt nhất cho những rủi ro và thách thức có thể gặp phải.

Tin bài liên quan