Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bảo hiểm PVI

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bảo hiểm PVI

Cần quyết tâm lớn trong áp dụng chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK) Muốn phát triển ở thị trường bảo hiểm trong nước và vươn tầm khu vực quốc tế, cần một hành động lớn cùng quyết tâm mang tính chính trị cao của toàn ngành bảo hiểm trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.

Khởi nguồn từ rating

Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nên bắt đầu từ việc đáp ứng các điều kiện cần thiết để được đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating). Trong số gần 30 DNBH phi nhân thọ hiện hữu trên thị trường, mới chỉ có 5 doanh nghiệp được rating, đó là một con số quá nhỏ. Các doanh nghiệp chưa thực sự nỗ lực hay chưa thực sự sẵn sàng trong việc chấp nhận các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp?

Trong khi đó, rating tạo điều kiện thuận lợi để các DNBH tiếp tục mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ cho thị trường quốc tế - mảng hiện còn tương đối khó khăn đối với các DNBH phi nhân thọ trong nước. Vì vậy, các DNBH cần sớm xây dựng lộ trình rating và báo cáo Bộ Tài chính về kế hoạch này.

Bên cạnh đó, cần tiến tới việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế khác như chuẩn mực về thanh toán, chuẩn mực về thanh khoản… Trong khi thị trường bảo hiểm các nước đã chấp nhận các chuẩn mực này từ lâu, thì tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, các chuẩn mực đó khá mới mẻ. Chúng ta cần có lộ trình xây dựng các quy chuẩn này.

Nếu không từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh đi đôi với tăng trưởng chất lượng và hiệu quả kinh doanh, xử lý mạnh tay với các hành vi trục lợi bảo hiểm, thì các DNBH sẽ dần dần suy yếu. Đối với Bảo hiểm PVI, ngay khi sau có cổ đông chiến lược nước ngoài, Tổng công ty dần thay đổi nhằm đáp ứng các quy chuẩn về thanh toán, thanh khoản...

Các DNBH cũng cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, song hành với nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Nguồn gốc của mọi vấn đề vẫn là con người và trong lĩnh vực bảo hiểm, hệ thống chuẩn mực đạo đức được đặt lên hàng đầu.

Với hệ thống PVI, trong công tác quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty luôn coi kỷ luật quân đội là sức mạnh, đi đôi với việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài yếu tố con người, cần tập trung đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh cũng như kiểm soát trục lợi bảo hiểm. PVI đang áp dụng hệ thống trực tuyến trong hàng loạt dịch vụ như bán hàng, bồi thường bảo hiểm… và hướng tới việc bán trực tuyến đối với cả sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Vươn ra thị trường nước ngoài

Bảo hiểm PVI được thành lập năm 1996, chỉ sau 4 năm (vào năm 2000), Tổng công ty đã bắt đầu cấp đơn bảo hiểm ra nước ngoài. Lần đầu không dễ chút nào, thậm chí là rất khó, nhưng PVI tự nhận thấy khả năng mình làm được nên quyết tâm vươn ra thị trường nước ngoài.

Đến ngày hôm nay, khi đã nắm giữ 21,26% thị phần (giữ vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam - PV), mục tiêu trong năm tới nâng lên 22 - 23% thị phần, thì câu chuyện về thị phần vẫn được PVI đặt ra theo hướng chia sẻ với cộng đồng DNBH, chứ không coi đó là mục tiêu chính.

Đó cũng là lý do Bảo hiểm PVI không ngừng phát triển dịch vụ bảo hiểm ra nước ngoài. Bởi nếu chỉ cạnh tranh trong nước thì sớm hay muộn cũng đứng trước áp lực phải cạnh tranh không lành mạnh như hạ phí dưới chuẩn, chứ không hoàn toàn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, dẫn đến năng lực suy yếu.

… và niêm yết trên TTCK

Để từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, cơ quan quản lý trực tiếp mọi hoạt động liên quan đến thị trường bảo hiểm Việt Nam là Bộ Tài chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm nên chỉ đạo các DNBH, nhất là DNBH 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Các DNBH nên coi việc lên sàn như một cách tiếp cận bước đầu với các chuẩn mực quốc tế và xây dựng lộ trình lên sàn, lộ trình rating, lộ trình tăng vốn, cùng các lộ trình tăng năng lực khác và báo cáo Bộ Tài chính về kế hoạch này.

5 DNBH đã được đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ cùng một tổ chức xếp hạng là A.M.Best bao gồm: Samsung Vina, PVI, Vinare, PVIRe và BIC. Trong đó, PVI và Vinare có cùng một mức xếp hạng năng lực tài chính ở mức B++ (Tốt).

Một số DNBH khác như Bảo Việt, PJICO… đang hoàn thiện các thủ tục rating theo tiêu chuẩn của A.M.Best.

A.M.Best được đánh giá là tổ chức lâu đời và uy tín trên thế giới về đánh giá xếp hạng, cung cấp thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tin bài liên quan