Bồi thường bảo hiểm đối mặt với thảm họa lũ lụt

Bồi thường bảo hiểm đối mặt với thảm họa lũ lụt

(ĐTCK) Hiện ngành bảo hiểm đang đứng trước những thách thức lớn về khả năng chấp nhận bảo hiểm đối với rủi ro lũ lụt.

Theo Tập đoàn Tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ), tổn thất đối với bảo hiểm lũ lụt trên thế giới đã gia tăng ở mức báo động, từ khoảng 1 - 2 tỷ USD trong năm 1970 đến 15 tỷ USD trong năm 2011. Hiện ngành bảo hiểm đang đứng trước những thách thức lớn về khả năng chấp nhận bảo hiểm đối với rủi ro lũ lụt.

Báo cáo mới nhất của công ty tái bảo hiểm hàng đầu thế giới này cho biết, không có thảm họa thiên nhiên nào tác động đến nhiều người như lũ lụt, với ước tính khoảng 500 triệu người bị ảnh hưởng mỗi năm. Các trận lũ lụt gần đây ở Thái Lan, Úc và Philippines đã chứng minh rằng, lũ lụt đã trở thành đối thủ của động đất và lốc xoáy, nếu xét về thiệt hại kinh tế. Swiss Re cho rằng, chi chi phí bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi lũ lụt đang làm đau đầu các nhà bảo hiểm và tính hiệu quả của sản phẩm bảo hiểm lũ lụt hiện đang là một vấn đề được đưa ra mổ xẻ.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, vài năm gần đây, dù Việt Nam không bị tác động bởi các tổn thất thảm họa lớn như bão, lụt như trong giai đoạn 2006 - 2010, nhưng năm 2011 là năm thị trường bảo hiểm tài sản chịu nhiều tổn thất do cháy rất lớn. Năm 2011, tỷ lệ bồi thường do những tổn thất này xấp xỉ bằng tổng số phí bảo hiểm thu được.

Ở Việt Nam , những tổn thất bồi thường về lũ lụt không được nhiều DN thống kê, đánh giá đầy đủ, mà thường chỉ xác định thiệt hại trong phạm vi bồi thường. Đợt thiên tai vừa qua ở các tỉnh miền Trung cũng chưa có thông tin cụ thể về bồi thường bảo hiểm có liên quan. Tuy nhiên, con số thống kê sơ bộ của một vài DN bảo hiểm cho thấy đã có những ảnh hưởng nhất định về mưa lũ.

Tổng CTCP Bảo Minh dù chưa có con số chính thức về bồi thường thiệt hại, nhưng đợt lũ lụt vừa rồi ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa cũng ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Đây là hai tỉnh Bảo Minh triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tại Hà Tĩnh đã triển khai bảo hiểm cho cây lúa, với số phí bảo hiểm thu được hơn 5 tỷ đồng. Còn tại Thanh Hóa, Bảo Minh đang triển khai bảo hiểm cho vật nuôi, với số tiền phí bảo hiểm khoảng 1,5 tỷ đồng. Đại diện Bảo Minh cho biết, số tiền đền bù cho vật nuôi ở Thanh Hóa cũng không nhỏ. Đối với loại hình bảo hiểm này, Bảo Minh giữ lại 30% giá trị hợp đồng bảo hiểm, còn tái lại cho nhà tái bảo hiểm 70%.

Thống kê sơ bộ của một công ty bảo hiểm trong nước khác cho thấy, bồi thường do lũ lụt chiếm khoảng 20% số vụ và liên quan chủ yếu đến tài sản kỹ thuật như công trình, nhà máy… (tại công ty này, giá trị những vụ bồi thường bảo hiểm liên quan đến lũ lụt không được thống kê).

Trong đợt mưa ngập vừa qua, Công ty Bảo hiểm Liberty đã phải bồi thường cho khách hàng mua bảo hiểm cho xe Mercedes E-300 bị thủy kích làm vỡ động cơ, với giá trị bồi thường là 50.000 USD. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, Liberty đã bồi thường 43 vụ bị thủy kích, với giá trị bồi thường xấp xỉ 3,2 tỷ đồng. Số trường hợp bị thủy kích không nhiều, nhưng các công ty bảo hiểm phát triển mạnh nghiệp vụ này cũng khá e ngại, vì thiệt hại bình quân của các vụ thủy kích rất cao. Tại Liberty năm 2011, thiệt hại bình quân là 75 triệu đồng/vụ, năm 2012 là 98 triệu đồng/vụ.

Các chuyên gia về bảo hiểm lũ lụt của Swiss Re cho rằng, những tổn thất được bảo hiểm gấp 18 lần tổng doanh thu phí bảo hiểm tài sản trong năm 2011 của Thái Lan cho thấy ngành bảo hiểm đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tiếp cận bảo hiểm lũ lụt một cách hiệu quả. Tại thị trường Việt Nam , qua các đợt lũ lụt những năm trước, các DN bảo hiểm cũng nhận thấy thiệt hại là rất lớn.

Được biết, trong trận lũ lụt năm 2010 xảy ra tại các tỉnh miền Trung, các công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã phải chi trả hàng trăm tỷ đồng bồi thường bảo hiểm.

Do thị trường bảo hiểm có sự tham gia của các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, nên không ảnh hưởng đến khả năng bồi thường của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, trước những thiệt hại to lớn về bão lũ, nên từ cuối năm ngoái, các nhà tái bảo hiểm nước ngoài đã thông báo điều chỉnh tăng phí và thu hẹp phạm vi bảo hiểm, đặc biệt đối với rủi ro bão lụt. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN bảo hiểm Việt Nam , bởi thị trường bảo hiểm Việt Nam chịu sự ảnh hưởng lớn từ thị trường nhận tái bảo hiểm quốc tế.