Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT cần phối hợp xây dựng chiến lược nguồn nhân lực bảo hiểm

Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT cần phối hợp xây dựng chiến lược nguồn nhân lực bảo hiểm

(ĐTCK) Sáng nay (18/9), Hội thảo phối hợp đào tạo giữa trường đại học với các tổ chức, DN trong lĩnh vực bảo hiểm đã được tổ chức tại Trường Kinh tế quốc dân Hà Nội (NEU). Một loạt giải pháp thúc đẩy hợp tác trong đào tạo bảo hiểm đã được đưa ra.

"Cần thêm những định hướng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo"

TS. Phí Trọng Thảo, Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo Việt (Tập đoàn Bảo Việt)
Nhà trường và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là 2 mảnh ghép không thể tách rời nhằm bổ sung, hỗ trợ cho nhau như một lẽ tất yếu do mỗi mảnh ghép đều có thể mạnh, lợi thế riêng có.

Thông thường, khi ra trường, nếu chất lượng đào tạo không tốt, DN thường đổ lỗi cho phía nhà trường, nhưng theo tôi, một phần trách nhiệm thuộc về DNBH.

Nhận thức tầm quan trọng của hợp tác giữa hai bên, Tập đoàn Bảo Việt vừa cam kết tài trợ học bổng 5 tỷ đồng cho sinh viên NEU giai đoạn  2015 - 2020 với kỳ vọng sẽ cho ra trường những sinh viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, sát với hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DNBH.

Để hoạt động liên kết giữa 2 bên thực sự có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của DNBH với nhà trường thì rất cần có thêm định hướng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (giảm thời lượng học phụ trợ, tăng thời gian thực tế) và nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chương trình đào tạo của nhà trường và những đòi hỏi của thị trường lao động

"Mong Bộ Tài chính ra văn bản pháp quy về hợp tác đào tạo"

PGS.TS. Hoàng Mạnh Cừ (Phó trưởng khoa Ngân hàng - bảo hiểm, Học viện Tài chính)

Một tín hiệu vui gần đây đó là DNBH đã chủ động đặt vấn đề đào tạo cho sinh viên bảo hiểm các trường đại học. Trước đó, sự liên kết phối hợp giữa các trường và DNBH trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu còn thiếu chặt chẽ (không nhận hoặc nhận rất ít sinh viên thực tập, các lớp tập huấn về chế độ mới ít có sự tham gia của cán bộ giảng dạy ở các trường…).

Hiện tại, chuyên ngành bảo hiểm được đào tạo ở nhiều trường đại học/học viện trong và ngoài nước. Bộ Tài chính cần nắm bắt số lượng sinh viên, chất lượng đào tạo… để định hướng cho việc phối hợp đào tạo. Do đã xác định rõ chiến lược con người là một cấu phần quan trọng bậc nhất trong chương trình tái cơ cấu DNBH nên Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nhu cầu nguồn nhân lực của các DNBH trong kế hoạch ngắn - trung - dài hạn để xây dựng chiến lược quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực cho ngành, tạo tiền đề cho hoạt động phối hợp đào tạo.

Ngoài ra, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với các DNBH và cơ sở đào tạo của ngành, Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản pháp quy về sự phối hợp này.

"Cần một sự nghiên cứu nghiêm túc trong hợp tác đào tạo bảo hiểm"

PGS.TS Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Khoa bảo hiểm - Đại học Kinh tế Quốc dân

Hợp tác trong đào tạo giữa các trường với các tổ chức và DN nói chung đang được triển khai ở nhiều nước như một nhu cầu tự nhiên. Ở nước ta, hệ thống các trường đại học y luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện trong quá trình đào tạo. Còn các trường khác, do một vài lý do nên sự phối hợp này còn hạn chế, thậm chí là chưa có và NEU cũng nằm trong số đó.

Vậy nên, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần có một sự nghiên cứu nghiêm túc, bài bản trong hợp tác đào tạo nhằm mang lại hiệu quả cho tất cả các bên. Cụ thể, phía nhà trường cần xây dựng chủ trương nhất quán về vấn đề này, trong đó có việc xây dựng quy chế. Còn các tổ chức và các DN có thể chủ động đặt vấn đề phối hợp trong đào tạo và nghiên cứu. Về phía Khoa bảo hiểm cũng cần chủ động tư vấn cho lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo DNBH trong phối hợp đào tạo.

 
Hội thảo có thu hút lãnh đạo nhiều DN bảo hiểm như Bảo Việt, PVI, BSH, BIC, GIC, Great Eastern, Marsh… tham dự

"Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần gói giải pháp tổng thể"

ThS. Vương Minh An, Giám đốc điều hành Aon Benfield Việt Nam

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tối quan trọng đối với sự phát triển của DNBH. Để phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm chất lượng cao thời kỳ hội nhập, cần gói giải pháp tổng thể.

Chẳng hạn, DNBH cần có chính sách giữ, thu hút chuyên gia trình độ cao cũng như nhân tài; tạo môi trường làm việc và học tập thoải mái, tạo dựng văn hóa doanh nghiệp; xây dựng lộ trình đào tạo với từng mục tiêu trong doanh nghiệp.

Còn về phía các cơ sở đào tạo, cần đưa ra các giải pháp như gửi một số công - viên chức và giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài và ngược lại, mời giảng viên nước ngoài tham gia đào tạo trong nước, tăng cường liên kết với các trường có ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu ngành bảo hiểm, tiêu chuẩn hóa chất lượng sinh viên để hàng năm bổ sung lực lượng cho ngành.

Tin bài liên quan