Bảo hiểm tín dụng, triển khai không dễ

(ĐTCK) Là giải pháp phòng ngừa và quản lý rủi ro cho khách hàng cũng như ngân hàng, nhưng bảo hiểm cho người vay vốn tại thị trường Việt Nam dường như vẫn chưa được đón nhận nhiệt tình, thậm chí là hiểu sai ý nghĩa. Khảo sát nhanh tại các điểm giao dịch của một số ngân hàng cho thấy, phần lớn khách hàng được hỏi về sản phẩm bảo hiểm người vay vốn đều không mấy quan tâm về sản phẩm này.
Phí bảo hiểm dành cho người vay vốn dao động từ 0,25 - 1% giá trị khoản vay

Phí bảo hiểm dành cho người vay vốn dao động từ 0,25 - 1% giá trị khoản vay

Thực tế, bảo hiểm người vay vốn là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện dành cho khách hàng tham gia vay vốn tại ngân hàng. Theo đó, khi khách hàng có các biến cố, rủi ro về tính mạng và sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, công ty bảo hiểm sẽ thay thế người được bảo hiểm (người vay tiền) thanh toán bộ số nợ còn thiếu ngân hàng tại thời điểm đó.

Tìm hiểu tại các công ty bảo hiểm, phí bảo hiểm dành cho người vay vốn dao động từ 0,25 - 1% giá trị khoản vay. Đối với các khoản vay lớn, vay nhiều năm, thì có thể đây là một khoản chi phí không hề nhỏ đối với khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc mua bảo hiểm cho người vay vốn không nên chỉ nhìn vào chi phí tuyệt đối cao hay thấp, mà còn cần phân tích kỹ hơn về các yếu tố liên quan.

Theo nguyên tắc cho vay tại các ngân hàng, nếu có tài sản đảm bảo, khi khách hàng vay vốn không may gặp rủi ro liên quan đến sức khỏe, tính mạng dẫn đến mất khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ phát mại tài sản, trừ trường hợp có người thân trả nợ thay. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, người đi vay luôn muốn để lại tài sản cho vợ, chồng, con cái mà không muốn bị ngân hàng phát mại, mặt khác cũng không muốn người thân phải trả nợ thay.

Để làm được điều đó, người đi vay không có cách nào khác là tham gia bảo hiểm cho người vay vốn. Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, việc tham gia bảo hiểm này là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động tín dụng.

Trao đổi với Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), công ty bảo hiểm đang dẫn đầu thị trường trong việc triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), đại diện công ty này cho biết, đúng là vẫn có những khách hàng cảm thấy băn khoăn khi tham gia sản phẩm bảo hiểm người vay vốn, bởi nhìn bề ngoài thì khoản chi phí này không đem lại giá trị thực tế gì cho khách hàng.

Khoản chi phí này chỉ phát huy tác dụng khi khách hàng không may tử vong hay thương tật vĩnh viễn, dẫn đến mất khả năng trả nợ, nhưng những yếu tố rủi ro có thể xảy ra này không có ai mong đợi và muốn đề cập đến.

Tuy nhiên, không đề cập cũng không có nghĩa là những rủi ro sẽ không bao giờ xảy ra. Trường hợp rủi ro xảy ra, gánh nặng trả nợ của khách hàng sẽ là rất lớn.

Sự ra đời của sản phẩm bảo hiểm người vay vốn trước hết xuất phát từ lợi ích của khách hàng và một khi khách hàng đã được công ty bảo hiểm đảm bảo về khả năng trả nợ, các ngân hàng cũng có thể hoàn toàn an tâm đối với hoạt động tín dụng của mình.

Vị đại diện này phân tích thêm, phí bảo hiểm cho người vay vốn nếu vay nhiều năm và phải thanh toán 1 lần thì có thể là một số tiền đáng kể, tuy nhiên, nếu làm một bài toán phân bổ cho từng tháng, chi phí sẽ không đáng bao nhiêu.

Hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm cho khách hàng thanh toán hàng năm hoặc hàng tháng, số phí bảo hiểm đóng từng kỳ như vậy sẽ rất phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

Dẫu không dễ khai thác, nhưng khá nhiều công ty bảo hiểm đang triển khai bảo hiểm cho người vay vốn nhằm khai thác tiềm năng lớn của phân khúc này. Trong đó, BIC, ABIC, Vietcombank Cardiff, Prevoir là những đơn vị đang đẩy mạnh triển khai sản phẩm này.

Theo ghi nhận tại BIC, số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm người vay vốn tại Công ty đang ngày một gia tăng. Kể từ năm 2010 đến nay, BIC đã xử lý hơn 600 hồ sơ bồi thường của các sản phẩm bảo hiểm dành cho người vay vốn, trong đó vụ lớn nhất lên tới 4 tỷ đồng. Đặc biệt, đối với các trường hợp ngoài phạm vi chi trả, BIC cũng có chính sách hỗ trợ nhân đạo cho khách hàng với số tiền từ 10 - 100 triệu đồng tùy trường hợp thực tế.

Tin bài liên quan