Số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm tăng mạnh nhờ chương trình hỗ trợ của Chính phủ

Số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm tăng mạnh nhờ chương trình hỗ trợ của Chính phủ

Bảo hiểm tàu cá, những tổn thất đầu tiên

(ĐTCK) Đầu tuần qua, tại tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trao 2,7 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá cho ngư dân Phạm Thị Bê, chủ tàu QNG-97206TS của Quảng Ngãi.

Đây là hợp đồng bảo hiểm tàu cá đầu tiên theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân của Chính phủ được cơ quan bảo hiểm bồi thường.

Số tiền bồi thường này đã khẳng định cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng tham gia bảo hiểm. Đây là nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ chủ tàu khắc phục khó khăn, yên tâm tiếp tục hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Bốn doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cho tàu cá này là Bảo Minh (nhà bảo hiểm chính) và các doanh nghiệp đồng bảo hiểm là Bảo Việt, PVI và PJICO.

Theo ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh, tính đến thời điểm 30/6/2015, Bảo Minh đã bảo hiểm cho 1.953 tàu. Trong đó, tại Quảng Ngãi là 917 tàu (chiếm tỉ lệ 47%), kế đến là Bến Tre với 516 tàu (chiếm tỷ lệ 26%), Phú Yên 272 tàu (chiếm tỷ lệ 14%), Khánh Hòa 213 tàu (chiếm tỷ lệ 11%) và Quảng Bình là 35 tàu (chiếm tỷ lệ 2%). Tổng phí bảo hiểm là 40 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 35 tỷ đồng và chủ tàu phải đóng góp 5 tỷ đồng.

“Trong 6 tháng đầu năm đã phát sinh 35 vụ tổn thất với tổng số tiền bồi thường là gần 10 tỷ đồng. Có 4 vụ tổn thất lớn trên 1 tỷ đồng, trong đó tổn thất lớn nhất là tàu cá của Bà Phạm Thị Bê ở Quảng Ngãi với số tiền bồi thường là 2,7 tỷ đồng. Hợp đồng bảo hiểm của ông Nguyễn Văn Trung cũng ở Quảng Ngãi với số tiền ước bồi thường là 2 tỷ đồng”, ông Thành cho biết.

Bảo hiểm PVI cũng là 1 trong 4 nhà đồng bảo hiểm tham gia chương trình Bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ và là nhà bảo hiểm chính tại các tỉnh: Hải Phòng, Đà Nẵng, Tiền Giang, Cà Mau.

Theo PVI, tại các địa bàn này tổng số tàu cá được Bảo hiểm PVI cấp đơn là 450 tàu với tổng phí trên 4 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình bảo hiểm tàu cá của PVI nhận bảo hiểm đã phát sinh 2 vụ tổn thất với số tiền ước tính khoảng 100 triệu đồng….

Tổng hợp chung toàn thị trường theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/6/2015 đã có 4.346 tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ với tổng số tiền bảo hiểm là 10.279,9 tỷ đồng; có 42.110 thuyền viên tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng số tiền bảo hiểm 2.947,7 tỷ đồng. Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, đã có 644 tàu và 9.042 thuyền viên tham gia bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là 1.825 tỷ đồng...

Ông Lê Văn Thành cho biết, ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/ND-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Bảo Minh và các doanh nghiệp đồng bảo hiểm đều tích cực tham gia khảo sát thực tiễn tại các địa phương và đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính để xây dựng các thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định, đặc biệt là việc dự thảo Quy tắc và Biểu phí bảo hiểm nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho ngư dân thuộc đối tượng được bảo hiểm theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã làm việc với thị trường tái bảo hiểm để nâng cấp chương trình tái bảo hiểm, nhằm đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của thị trường bảo hiểm tàu cá.

Tuy nhiên, để chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tiếp tục đi vào đời sống, góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì tác động của chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền cho ngư dân tham gia là rất quan trọng.

Tin bài liên quan