Tính đến 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có khoảng 14.977 tàu cá có công suất 90CV trở lên tham gia bảo hiểm

Tính đến 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có khoảng 14.977 tàu cá có công suất 90CV trở lên tham gia bảo hiểm

Bảo hiểm tàu cá bồi thường gần 60 tỷ đồng

(ĐTCK) Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 6 tháng đầu năm 2016, tổng mức bồi thường bảo hiểm tàu cá của của 4 doanh nghiệp tham gia là PJICO, PVI, Bảo Việt và Bảo Minh đạt 59,8 tỷ đồng, mức dự phòng bồi thường ước tính 82,1 tỷ đồng.

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa, công tác triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hết hiệu lực, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh những điểm cần rút kinh nghiệm, có thể thấy rõ hiệu quả của chính sách bảo hiểm mà ngư dân đang được hưởng lợi, trong đó có khâu bồi thường.

Dù chưa có số liệu chính thức cập nhật, nhưng tính đến 6 tháng đầu năm 2016, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng mức bồi thường bảo hiểm tàu cá đã đạt 59,8 tỷ đồng, mức dự phòng bồi thường (do nhiều hồ sơ của bà con ngư dân đang được giám định để nhận bồi thường) ước tính lên đến 82,1 tỷ đồng, của 4 doanh nghiệp PJICO, PVI, Bảo Việt và Bảo Minh.

Một số vụ bồi thường điển hình như bồi thường 4 tỷ đồng cho ngư dân Trần Kim Trung, chủ tàu BD-97157-TS bị cháy khi đang khai thác thủy sản ở vùng biển Trường Sa; bồi thường 784 triệu đồng cho ngư dân Thái Thuần Tốt ở Vũng Tàu, chủ tàu BV0080TS do bị cháy nổ thân tàu; bồi thường 402 triệu đồng cho ngư dân Nguyễn Văn Lượng ở Thái Bình, chủ tàu TB90018 TS do bị chìm đắm…

Các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, ngư dân ngoài mong muốn Chính phủ và doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ hơn nữa với bảo hiểm thân tàu. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân cũng mong có sự hỗ trợ mạnh mẽ  của chính quyền các cấp, các ngành trong công tác hỗ trợ giám định, xác nhận nguyên nhân tổn thất để doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành bồi thường một cách khách quan, thỏa đáng cho bà con ngư dân.

Liên quan đến số tàu được bảo hiểm, nếu như trước Nghị định 67, theo thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm, có hơn 20.000 tàu cá, ngư dân các tỉnh thành ven biển trong cả nước chưa biết nhiều về bảo hiểm tàu cá nên ít mua, thì đến nay, số tàu cá được bảo hiểm đã được cải thiện.

Tính đến 6 tháng đầu năm 2016, theo Bộ Tài chính, cả nước đã có khoảng 14.977 tàu cá có công suất 90CV trở lên tham gia bảo hiểm, 145.960 thuyền viên được bảo hiểm, trong đó tổng mức trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra tổn thất lên tới 12.452 tỷ đồng (gấp 97 lần mức đóng phí bảo hiểm).

Nếu tính riêng tại một số tỉnh thành Bắc Trung bộ, thì Nghệ An được coi là một trong những địa bàn có tỷ lệ ngư dân tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ cao. 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ tàu cá tham gia bảo hiểm tại địa bàn tỉnh Nghệ An đạt trên 72% số tiền bảo hiểm.

Nguyên nhân chính khiến bà con ngư dân ít tham gia bảo hiểm tàu cá được Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh chỉ ra là do trước khi có Nghị định 67, mức phí bảo hiểm quá cao, phần đông không đủ điều kiện tài chính để tham gia, mặc dù ngư dẫn vẫn nhận thức được giá trị đảm bảo của bảo hiểm. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 67,  nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên tỷ lệ tàu cá được bảo hiểm được cải thiện rõ rệt.

Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; đồng thời hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. 4 doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu là Bảo Việt, Bảo Minh, PJCO, PVI được chỉ định tham gia chương trình. 

Tin bài liên quan