Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục chặng đua cuối năm

Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục chặng đua cuối năm

(ĐTCK) Về cơ bản hầu, nửa đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp trong khối bảo hiểm phi nhân thọ đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là trong chiến lược bán lẻ và quản lý rủi ro, có thể ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Xét về thị phần, theo số liệu chính thức 5 tháng đầu năm 2016 của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, hiện PVI vẫn giữ vững ngôi vị số 1 với 20,03%; tiếp theo là Bảo Việt (17,06%). Bảo Minh (7,86%) để tuột ngôi vị thứ 3 vào tay PTI (8,32%) và xuống vị trí thứ tư; trong khi PJICO ở vị trí thứ năm (6,65%) và đang tăng tốc theo sát nút Bảo Minh.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2016 vẫn cạnh tranh gay gắt ở phân khúc bán lẻ, khi xuất hiện nhiều gương mặt mới bên cạnh những tên tuổi lâu năm. Bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới là hai nghiệp vụ có mức độ cạnh tranh nóng bỏng nhất.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC đạt 791 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7% và hoàn thành 45,2% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế riêng BIC đạt 79,5 tỷ đồng; hoàn thành 43,7% kế hoạch. So với tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh này của BIC chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân, theo ông An, là do BIC thắt chặt công tác quản trị rủi ro.

“BIC đã chủ động từ chối các dịch vụ có mức độ rủi ro cao, đặc biệt là thắt chặt nghiệp vụ bảo hiểm con người và không cạnh tranh hạ phí bằng mọi giá đối với nghiệp vụ xe cơ giới. Đây là các dịch vụ mà một số doanh nghiệp bảo hiểm khác đang cạnh tranh rất quyết liệt để mở rộng thị phần. Ngoài ra, tỷ lệ bồi thường có xu hướng tăng cao khi đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ vẫn là một bài toán chưa có lời giải của BIC nói riêng và các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung”, ông An cho biết.

Mặc dù vậy, BIC vẫn là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm có thể duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng thị phần, trong bối cảnh các công ty bảo hiểm nằm trong guồng xoáy giảm phí kỹ thuật nói chung và giảm phí bảo hiểm xe cơ giới nói riêng để giành giật thị phần.

Liên tiếp vượt qua Bảo Minh trong những tháng qua, vươn lên đứng thứ ba về thị phần, PTI đang là tên tuổi gây nhiều chú ý. Tính đến giữa tháng 7/2016, tổng doanh thu của hãng bảo hiểm này đạt mức 1.551 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu năm 2016 (3.100 tỷ đồng, trong đó, 2.927 tỷ đồng là doanh thu bảo hiểm gốc).

Tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm bán lẻ, trong đó trọng yếu là bảo hiểm ô tô, vẫn là chiến lược xuyên suốt trong thời gian tới của PTI. Ngoài ra, hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 sẽ đa dạng hơn các kênh phân phối sản phẩm; tiếp tục mở rộng hoạt động hợp tác với các ngân hàng để triển khai bán chéo sản phẩm trên kênh online.

Theo các chuyên gia trong ngành, cùng với việc doanh nghiệp bảo hiểm lớn trong khối như PVI, PTI, hay PJICO tiếp tục đầu tư mạnh cho mảng bán lẻ thì “sân chơi” này xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới tham gia, chính vì vậy, mức độ cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.

Thực tế, cạnh tranh không chỉ dừng lại ở việc giảm phí kỹ thuật nhằm lôi kéo khách hàng, mà còn là “chiêu trò” thu hút nhân sự, nhất là nhân viên bán hàng ở các công ty đối thủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm nội địa sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty bảo hiểm nước ngoài đang phát triển mạnh về bán lẻ đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người.

Tin bài liên quan