Khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng gần 17% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái

Khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng gần 17% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái

Bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng âm đã xa

(ĐTCK) Với việc tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 4.987 tỷ đồng (theo số liệu từ Cục quản lý & giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính) trong 2 tháng đầu năm nay, cùng diễn biến không quá u ám trong tháng 3, khối bảo hiểm phi nhân thọ đang cho thấy những dấu hiệu đột phá, dần đoạt tuyệt với quá khứ quý I/2013 tăng trưởng âm.

Tăng trưởng mạnh 2 tháng đầu năm

2 tháng đầu năm 2015, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc vẫn là Bảo hiểm PVI (ước 983 tỷ đồng, tăng 6,22% so với cùng kỳ, chiếm 19,71% thị phần). Bảo hiểm Bảo Việt theo khá sát nút (979 tỷ đồng, tăng 8,04%, chiếm 19,62%); Bảo Minh (545 tỷ đồng, chiếm 10,93%). PTI và PJICO có sự hoán đổi vị trí cho nhau khi PTI vươn lên vị trí thứ 4 với 350 tỷ đồng, nắm 7,02%; PJICO đứng vị trí thứ 5 (327 tỷ đồng, chiếm 6,55%.

Sự vươn lên của PTI được lý giải là do 2 tháng đầu năm nay, PTI tăng trưởng tới 31,27% nhờ tung ra các chương trình khuyến mại lẫn các chương trình thi đua lớn nhỏ cuối năm 2014, kể cả qua kênh trực tiếp lẫn các kênh trung gian (đặc biệt là kênh bancas thông qua hợp tác với ngân hàng). Trong khi đó, việc PJICO chỉ tăng 11,34%, được cho là một kết quả hợp lý trong bối cảnh công ty này đang thắt chặt hiệu quả hoạt động, phát triển ổn định, có lãi nghiệp vụ theo chiến lược mới sau khi giai đoạn trước năm 2013 lỗ nghiệp vụ lớn. Tất nhiên, việc chỉ thua kém nhau 23 tỷ đồng của 2 DN trên trong 2 tháng đầu năm vẫn chưa nói lên điều gì cho cả năm 2015.

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (1.596 tỷ đồng, chiếm 32%). Tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (1.109 tỷ đồng, chiếm 22%), bảo hiểm tài sản và thiệt hại (853 tỷ đồng, chiếm 17%), bảo hiểm cháy nổ (461 tỷ đồng, chiếm 9,2%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm chủ tàu (407 tỷ đồng, chiếm 8,2%).

Về bồi thường, số tiền thực bồi thường bảo hiểm 2 tháng đầu năm ước đạt 1.483 tỷ đồng. Tỷ lệ thực bồi thường/doanh thu phí là 29,7%, cao hơn cùng kỳ năm 2014 (27,2%).

Con số tăng trưởng gần 17% kể trên, ngoài nhờ sự tăng trưởng ổn định của nhóm dẫn đầu thì còn do kết quả tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% của 7 DN trong 2 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, VASS (173 tỷ đồng, tăng 4,4 lần), Phú Hưng (9 tỷ đồng, tăng 2,63 lần), MIC (239 tỷ đồng, tăng 78,12%), VBI (57 tỷ đồng, tăng 4,8 lần), Samsung Vina (254 tỷ đồng, tăng 65,28%), ACE (17 tỷ đồng, tăng 59,23%), Fubon (30 tỷ đồng, tăng 52%).

Kết quả trên cũng được xem là động lực để toàn khối nỗ lực hoàn thành kế hoạch cả năm 2015, hướng tới mục tiêu giai đoạn 2015-2020, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức cao và ổn định trên 10%. 

Tiềm năng phát triển lớn

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý & giám sát bảo hiểm cho biết: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy bảo hiểm phát triển. Bảo hiểm cũng là một trong những ngành dịch vụ được định hướng hiện đại hóa và mở rộng hoạt động, bên cạnh các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, chứng khoán… theo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020”.

Thêm vào đó, mô hình tổ chức của cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm đã ổn định, năng lực cán bộ cơ bản đáp ứng được yêu cầu về quản lý và giám sát, khuôn khổ pháp lý cũng dần được hoàn thiện… Chưa kể đến, tiềm năng phát triển của thị trường còn rất lớn, ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề và các loại tài sản của nền kinh tế.

Theo tính toán của Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, một số loại hình bảo hiểm có tiềm năng phát triển lớn, ví dụ như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng. Hàng năm, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ, tổ chức cá nhân phải tự bù đắp thiệt hại thiên tai lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng, gần 1% GDP.  Bảo hiểm năng lượng nguyên tử cùng với sự ra đời của nhà máy điện nguyên tử trong thời gian tới, dự kiến sẽ bảo hiểm các tòa nhà, trụ sở tài sản công (trị giá 240 tỷ đồng). Đồng hành cũng với các loại bảo hiểm mới là cơ hội trong các loại hình bảo hiểm đã và đang triển khai, như hàng hóa vận chuyển xuất nhập khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới…  

Nhóm DNBH có doanh thu phí bảo hiểm gốc 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ: GIC (76 tỷ đồng, giảm 18,14%), VNI (26 tỷ đồng, giảm 12,63%), AAA (35 tỷ đồng, giảm 59%), Liberty (76 tỷ đồng, giảm 6,2%).

19 trên 30 DNBH có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 11 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 2 DNBH có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là Cathay (111,6%), UIC (82,5%).

Tin bài liên quan