Biến động nhân sự luôn là câu chuyện “nóng” của ngành bảo hiểm

Biến động nhân sự luôn là câu chuyện “nóng” của ngành bảo hiểm

Bảo hiểm phi nhân thọ sống chung với “chảy máu chất xám“

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ dường như đang có những đợt biến động mới về nhân sự, đặc biệt là các đại lý hay bộ phận kinh doanh.

Nếu biến động nhân sự tại khối nhân thọ chủ yếu do cạnh tranh về thị phần mỗi khi trên thị trường xuất hiện doanh nghiệp mới, thì với khối phi nhân thọ, biến động nhân sự còn phụ thuộc lớn vào sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Là một trong số ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành công trong lĩnh vực bán lẻ,  nhất là mảng bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe…, nhân sự của Liberty nói chung và tại bộ phận kinh doanh, bồi thường nói riêng, đang là “đích nhắm” của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác, bởi những doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán lẻ.

Thực tế cho thấy, đối với khối phi nhân thọ, mảng bán lẻ vẫn luôn là mảng cạnh tranh gay gắt nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm như PTI, BIC, PVI hay PJICO đều đã đầu tư mạnh cho chiến lược bán lẻ của mình. Mới đây, thị trường còn đón nhận thêm một số “nhân tố mới” như Bảo hiểm Liên hiệp Việt Nam (UIC), Bảo hiểm AIG… tham gia vào mảng bán lẻ, sau một thời gian chỉ bán sỉ (bán cho doanh nghiệp).

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày một tăng, Liberty đã có một số thay đổi về chiến lược phát triển (tập trung phát triển bền vững), cùng với đó là những thay đổi về nhân sự quản lý.

Thực tế, biến động về nhân sự trong ngành bảo hiểm là câu chuyện “thường ngày ở huyện” tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. Những công ty có nhân sự lành nghề, chuyên nghiệp, đội ngũ kinh doanh giỏi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho biết, khó có thể tránh được tình trạng này, bởi bất kỳ công ty bảo hiểm nào khi mới bước chân vào thị trường đều muốn đạt được một mức doanh thu nhất định. Do đó, cách nhanh nhất vẫn là chiêu mộ những nhân sự lành nghề từ các công ty khác. Đây là phương thức có thể coi là “kinh điển”, được nhiều công ty bảo hiểm áp dụng.

Không chỉ có doanh nghiệp khối phi nhân thọ, mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng luôn phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”, nhất là khi thị trường xuất hiện nhân tố mới. Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện đang “râm ran” về câu chuyện tuyển dụng đại lý của một doanh nghiệp trong ngành, với chế độ thu nhập “gây choáng” theo kiểu “trả tiền mặt một cục” (trả trước vài năm thu nhập).

Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, kiểu “chiêu mộ nhân tài” như trên là điều bình thường, cho nên họ chấp nhận “sống chung với lũ”.

“Khi trưởng khu vực hay trưởng nhóm kinh doanh ở một khu nào đó chuyển qua qua công ty bảo hiểm khác, tình hình kinh doanh khu vực đó sẽ tạm thời khó phát triển. Song đó không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, bởi sẽ có nhân sự khác thay thế và bản thân doanh nghiệp luôn có phương án dự phòng”, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Biến động nhân sự luôn là câu chuyện “nóng” của ngành bảo hiểm. Không chỉ do cạnh tranh thị phần, mà việc thay đổi chiến lược phát triển, đại lý, nhân sự cấp cao cũng đều dẫn đến những thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm đều hiểu rằng, sự luân chuyển này là quy luật thị trường và sẽ không tạo ra xáo trộn lớn, nếu đằng sau đó không phải là việc đại lý nghỉ việc và lôi kéo khách hàng cũ đi theo.

Việc lôi kéo này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu phí bảo hiểm của các công ty bị mất người, nhưng thiệt thòi hơn cả vẫn là khách hàng, đặc biệt là khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn 1 năm, thì việc ngưng hợp đồng công ty bảo hiểm này chuyển sang công ty bảo hiểm khác là không quá khó khăn. Nhưng với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (thường là thời hạn dài), nếu khách hàng bỏ ngang khi mới đóng phí, khách hàng có thể bị mất hết số phí đã đóng trước đó, hoặc giá trị hoàn lại cũng rất nhỏ.

Câu chuyện về biến động nhân sự đã từng tạo ra không ít “sóng gió” trên thị trường bảo hiểm vài năm trước. Tuy nhiên, trong quy luật phát triển, điều này là khó tránh khỏi, vấn đề là làm sao để hạn chế tối đa rủi ro mà sự biến động đó mang lại.               

Tin bài liên quan