Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt mức tăng trưởng 18% năm 2016

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt mức tăng trưởng 18% năm 2016

Bảo hiểm phi nhân thọ dự báo tăng trưởng kỷ lục 5 năm

(ĐTCK) Theo ước tính của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI), năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%, cao nhất trong 5 năm qua. 

Đặc biệt, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã có lãi từ nghiệp vụ nhờ quy định không cho nợ đọng dây dưa phí bảo hiểm.

Năm 2015 cũng chứng kiến sự chuyển mình của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, từ những doanh nghiệp có thị phần cao đến doanh nghiệp chiếm thị phần còn thấp. Sự chuyển dịch cơ cấu vốn cổ phần của các doanh nghiệp bảo hiểm diễn ra sôi động, như Dongbu Hàn Quốc mua 30 triệu cổ phần của PTI, Fairfax Canada mua 35% cổ phiếu của BIC và Chính phủ quyết định thóai 100% vốn nhà nước tại Bảo Minh và Vinare…

Năm 2015 cũng là năm “chạy đua vũ trang’ giữa các doanh nghiệp này trong việc phát triển các dịch vụ và sản phẩm mới, chẳng hạn như bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm cầu thủ hay bảo hiểm “theo xe”…. Đồng thời được coi là năm bùng nổ của bảo hiểm trực tuyến, khi được tập trung khai thác triệt để.

Dựa trên những thành công đó, năm 2016 được đánh giá sẽ vẫn là năm mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, khi mà các Hiệp định hội nhập kinh tế quốc tế-Việt Nam tham gia ký kết như TPP, EU, FTA với Hàn Quốc… chuẩn bị triển khai, tuy nhiên thử thách cũng gặp phải cũng không ít, theo nhận định của AVI.

Về cơ hội, dòng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và hàng hóa Việt Nam mở rộng xuất khẩu ra thị trường quốc tế sẽ tạo ra nhu cầu bảo hiểm để các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác.

Theo AVI, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ sẽ đạt mức tăng trưởng 18% trong năm 2016.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ còn có nhiều cơ hội khác khi triển khai nhiều loại sản phẩm như bảo hiểm bắt buộc công trình xây dựng, trách nhiệm tư vấn khảo sát thiết kế, tai nạn người lao động trên công trường, bảo hiểm khám chữa bệnh (theo Luật Khám chưa bệnh từ 1/6/2016); bảo hiểm nghề nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ (theo Luật Đầu tư là một trong những điều kiện kinh doanh phải có); bảo hiểm tài sản công (theo Luật Quản lý tài sản công)…

Đồng thời, chế độ quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng sẽ được tăng cường với việc sửa đổi bổ sung Nghị định thay thế các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định điều kiện kinh doanh cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện; xử lý hình sự các hành vi trục lợi bảo hiểm đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị, điều hành năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Được biết, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành soạn thảo và xin ý kiến xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và xây dựng các điều kiện kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm…  Theo AVI, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ sẽ đạt mức tăng trưởng 18% trong năm 2016.

Ngược lại, yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, điều hành năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khối này, sẽ là thách thức rất lớn đối với nhiều công ty bảo hiểm. Thực tế cho thấy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đang phát triển khá nhanh, nhưng còn rất nhỏ (theo mọi tiêu chuẩn) so với các thị trường bảo hiểm khác.

“Mức độ lợi nhuận của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn rất khiêm tốn và hiệu quả cạnh tranh còn hạn chế. Đây là chính vấn đề còn tồn tại và cần phải giải quyết trong thời gian dài”, một chuyên gia trong ngành nói. Cũng theo vị này, thị trường phi nhân thọ khác thị trường nhân thọ ở điểm, thị trường này bị chi phối bởi các công ty bảo hiểm trong nước và nguồn cung quá lớn so với nhu cầu.

Khi hiệu quả kinh doanh hạn chế, những doanh nghiệp này khó có thể duy trì vị trí thị phần hay các dịch vụ về mặt dài hạn, đặc biệt là dịch vụ tiêu chuẩn cao.

“Trên cả việc mở rộng điều khoản, cạnh tranh giảm phí dẫn đến phá giá thị trường, thì năng lực cạnh tranh và phục vụ khách hàng là những thách thức lớn của các công ty bảo hiểm”, vị chuyên gia trên nhìn nhận.

Tin bài liên quan