Bảo hiểm nhân thọ sắp có “quy tắc ứng xử”

Bảo hiểm nhân thọ sắp có “quy tắc ứng xử”

(ĐTCK) Tại Hội nghị Các lãnh đạo DN bảo hiểm nhân thọ (CEO) mới đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, đặc biệt là vấn đề thuế, trục lợi bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó là hướng tới xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử trong khối các DN bảo hiểm nhân thọ.

Bàn giải pháp gỡ khó

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, phí khai thác mới trong 3 tháng đầu năm 2012 của các DN bảo hiểm nhân thọ tăng 12,6%, số lượng hợp đồng khai thác mới tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; số lượng hợp đồng hủy bỏ/hết hiệu lực tăng trên 20%. Trong khi đó, năng suất khai thác của đại lý đang ở mức thấp.

Bảo hiểm nhân thọ sắp có “quy tắc ứng xử” ảnh 1

Khối doanh nghiệp BHNT đang cạnh tranh không lành mạnh trong việc phát triển các đại lý

Theo ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chịu ảnh hưởng khó khăn của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ quý I/2012 dù tiếp tục tăng, nhưng mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011.

Để giải quyết những khó khăn mà các DN bảo hiểm đang phải đối mặt, Hội nghị CEO các DN bảo hiểm nhân thọ lần thứ 19 tổ chức tại Khánh Hòa mới đây đã trung tập vào việc tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN. Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, đang cân nhắc các phương án trợ giúp DN bảo hiểm trong vấn đề trục lợi bảo hiểm y tế.

Cụ thể, Cục sẽ soạn thảo Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn về việc tiếp cận hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là khách hàng của các DN bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra những hồ sơ y tế có dấu hiệu không minh bạch theo kiến nghị của DN bảo hiểm. Ngoài ra, Cục sẽ có những điều chỉnh cách thức quản lý đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm con người thuộc cả hai lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ, để đảm bảo công bằng, phù hợp trong hoạt động cạnh tranh, chào thầu trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, Hiệp hội đã kiến nghị với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) về việc đưa bảo hiểm nhân thọ ra khỏi danh mục hàng hóa phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Thành công này đã giúp các DN bảo hiểm yên tâm, tránh các chi phí không cần thiết, tránh nguy cơ các quy định chồng chéo...

Hiệp hội cũng đã đóng góp ý kiến để giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ như đề nghị cơ quan thuế địa phương không thu thuế môn bài của đại lý bảo hiểm và vấn đề này đã được giải quyết; hay như kiến nghị về việc đưa chi phí của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên vào chi phí hợp lý, hợp lệ…, nhằm góp phần cho việc phát triển bảo hiểm nhóm tại thị trường Việt Nam.

Tại hội nghị, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm khuyến khích các DN bảo hiểm nhân thọ đầu tư vào các lĩnh vực mang tính xã hội cao, phục vụ mục tiêu an sinh xã hội như trường học, bệnh viện chất lượng cao.

Cục cũng sẽ báo cáo Bộ Tài chính về hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ của các DN bảo hiểm nhân thọ, để đảm bảo phù hợp với các cam kết lâu dài của DN bảo hiểm nhân thọ đối với khách hàng.

 

Sẽ có bộ quy tắc ứng xử

Xây dựng thị trường bảo hiểm minh bạch, đoàn kết cũng là một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị. Đáng chú ý là sẽ xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử trong khối các DN bảo hiểm nhân thọ. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, khối bảo hiểm nhân thọ đã chứng kiến những cuộc cạnh tranh gay gắt, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh trong việc phát triển các đại lý, văn phòng tổng đại lý. CEO của một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nói: “Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam chưa bao giờ cạnh tranh gay gắt đến thế. Các DN bảo hiểm đang nhìn nhau hết sức cảnh giác”.

Các DN bảo hiểm nhân thọ đều muốn hướng tới một “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh, nên đều nhất trí về việc cần thiết phải ban hành một bộ Quy tắc ứng xử chung trong khối. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một số DN bảo hiểm tỏ ra khá băn khoăn về một số quy định trong bộ quy tắc này. Chẳng hạn như quy định: “Các DN bảo hiểm nhân thọ cam kết không tự mình hoặc thông qua bất kỳ bên thứ ba nào để thực hiện việc tuyên truyền công bố, bình luận hoặc so sánh dưới bất kỳ hình thức nào về các DN bảo hiểm nhân thọ khác”. Hay quy định: “DN bảo hiểm nhân thọ cam kết không lôi kéo, dụ dỗ hay thực hiện hành động khác tác động tới quyền tự do lựa chọn nơi làm việc của nhân viên, đại lý của mình và của DN bảo hiểm nhân thọ khác”.

Lãnh đạo một DN bảo hiểm bình luận: không có gì đảm bảo tất cả các DN đều thực hiện đúng cam kết này. Nếu họ muốn vi phạm thì chế tài của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là không đủ mạnh.