Bảo hiểm hưu trí khó bán vì sao?

Bảo hiểm hưu trí khó bán vì sao?

(ĐTCK) Mặc dù rất được kỳ vọng nhưng tính đến hết năm 2015, tỷ lệ doanh thu khai thác mới của bảo hiểm hưu trí sau hơn 3 năm có mặt tại thị trường Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu khai thác mới của phí bảo hiểm nhân thọ trong năm qua.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2015, doanh thu phí khai thác mới ước đạt 12.492 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2014. Trong đó, nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí khai thác mới là bảo hiểm liên kết đầu tư (49%) và bảo hiểm hỗn hợp (45,6%). Riêng đối với nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, tính đến hết năm 2015, tổng doanh thu phí khai thác mới ước đạt hơn 200 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,75%).

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đang triển khai bảo hiểm hưu trí thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, sản phảm bảo hiểm hưu trí tự nguyện không “đắt hàng” như các sản phẩm bảo hiểm khác. Công ty đã bán được một số hợp đồng nhưng chủ yếu là các DN mua cho cán bộ, công nhân viên và một số hợp đồng bán cho DN nước ngoài. Số lượng hợp đồng bảo hiểm hưu trí bán cho cá nhân hầu như không đáng kể.

“Đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, khách hàng DN là nhân tố quan trọng trong việc kinh doanh, nhưng thực tế bán được cho DN cũng không hề dễ. Đa phần chỉ bán được bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho các DN nước ngoài, còn DN trong nước thì rất khó, bởi ngay cả với bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều DN còn không thực hiện được”, vị đại diện DNBH trên cho biết. Một trong những lý do cơ bản khiến sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện không đắt hàng là sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn so với những sản phẩm bảo hiểm đang bán khác, mức thuế ưu đãi cũng vậy. Mặc dù các DNBH đã nhiều lần kiến nghị nên ưu đãi thuế cho người mua bảo hiểm tự nguyện nhưng chưa có kết quả.

Trước đó, trao đổi với ĐTCK về vướng mắc chính đối với việc triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhìn nhận, mức chi phí được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ của chủ DN đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho công ty hiện tại vẫn bị khống chế ở mức 1 triệu đồng/tháng. Đây là mức chi phí được giảm trừ không đáng kể và không giúp DN có thể xây dựng chế độ tưởng thưởng nhằm giữ nhân tài.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã từng kiến nghị, Chính phủ nên xem xét bỏ quy định về giới hạn chi phí không được khấu trừ của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động nhưng không được chấp nhận. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã kiến nghị nâng mức khấu trừ thuế cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện lên 3 triệu đồng/tháng nhưng bị bác bỏ bởi lập luận phải để đồng nhất với mức quy định của bảo hiểm xã hội và coi bảo hiểm hưu trí tự nguyện chỉ là “thêm nếm”.

Trong khi đó, theo phân tích của một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, một người lao động được DN mua bảo hiểm hưu trí trong vòng 30 năm với mức đóng 12 triệu đồng/năm, tính cả lãi suất thì sau 30 năm, số tiền này cũng chưa đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, các DN khi mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên đều nhằm mục đích giữ chân nhân sự giỏi, có tài, nhưng những nhân tài này thường có mức lương đang hưởng rất cao. Chẳng hạn với những người đang có mức lương 30 triệu đồng/tháng thì chính sách phúc lợi bằng hưu trí tự nguyện được coi là hấp dẫn để DN muốn xây dựng phải có mức đóng tối thiểu là 5 triệu/tháng.

“Thực sự, chính sách thuế như hiện nay khó có thể giúp phân khúc bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển và không mang lại tác dụng gì nhiều. Bởi theo quy định của Chính phủ đối với bảo hiểm xã hội, người lao động phải đóng 8%, còn DN đóng 18%, tổng cộng đóng 26% là mức lương tối thiểu. Với cách tính này, khi mức lương tối thiểu thấp thì mức tiền đóng cho bảo hiểm vào khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng, mức đóng cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện (nếu có) khoảng 1 triệu đồng/tháng thì không có ý nghĩa gì nhiều”, vị chuyên gia trên cho biết.           

Tin bài liên quan