MIC lần đầu có mặt trong liên danh bảo hiểm hàng  không

MIC lần đầu có mặt trong liên danh bảo hiểm hàng không

Bảo hiểm hàng không: doanh nghiệp mới bước vào “sân chơi”

(ĐTCK) Hơn 4 tháng kể từ sau lễ ký kết hợp tác với Vietnam Airlines, Liên danh Tổng công ty Bảo hiểm PVI - Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục ký kết hợp đồng bảo hiểm hàng không với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) vào tối 15/4. Nhưng lần này, có thêm sự góp mặt của Bảo hiểm Quân Đội (MIC).

Cần nhắc lại, tại lễ ký kết hợp đồng bảo hiểm hợp tác với Vietnam Airlines, ngoài Bảo hiểm PVI - Bảo hiểm Bảo Việt thì liên danh còn có thêm CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI) - nhà bảo hiểm nhiều năm liền đồng hành cùng 2 DNBH trên.

Còn tại hợp đồng bảo hiểm hàng không với VNH, ngoài PVI và Bảo hiểm Bảo Việt, còn có thêm sự góp mặt lần đầu tiên của MIC.

Đối với Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt, VNH là một đối tác lâu năm (với riêng PVI, đây là năm thứ 7 DNBH này cung cấp dịch vụ cho VNH). Đây cũng là 2 hãng bảo hiểm lớn và uy tín nhất trong nước khi cung cấp bảo hiểm cho tất cả các hãng hàng không ở Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và những đơn vị khác trong ngành hàng không (Bảo hiểm Bảo Việt còn bảo hiểm trách nhiệm cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam…)

Tuy nhiên, ghi nhận từ MIC cũng cho thấy, bảo hiểm hàng không không còn quá xa lạ với MIC khi từng được Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ định là nhà cung cấp bảo hiểm hàng không cho 2 máy bay trực thăng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và khai thác thương mại, ngay sau khi đạt đủ điều kiện cần về vốn (MIC hoàn tất tăng vốn lên 400 tỷ đồng, đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng không).

Việc MIC - 1 DN mới “chung mâm” với 2 “người cũ” trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không tại một hợp đồng không nhỏ lần này cho thấy một nỗ lực lớn, được coi là thành công  bước đầu của công ty, ngay cả khi MIC chỉ đạt một tỷ lệ đồng bảo hiểm khiêm tốn.

Dù tại lễ ký kết cũng như thông cáo báo chí không chia sẻ về tỷ lệ cụ thể của từng nhà bảo hiểm, ngoài việc khẳng định PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu liên danh, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, tỷ lệ bảo hiểm như sau: Bảo hiểm PVI (60%), Bảo hiểm Bảo Việt (30%) và MIC (10%). Trong vai trò là nhà bảo hiểm đứng đầu, PVI đảm nhận việc cung cấp tất cả các dịch vụ từ tư vấn, đàm phán chương trình, cấp và quản lý đơn cũng như giải quyết các sự cố phát sinh theo Hợp đồng bảo hiểm với VNH.

Với mức trách nhiệm được bảo hiểm trên 150 triệu USD cho mỗi sự cố, hợp đồng bảo hiểm sẽ cung cấp dịch vụ cho 28 chiếc máy bay, 136 phi công và kỹ thuật viên với tổng trị giá bảo hiểm gần 216 triệu USD.

Một câu hỏi được đặt ra đối với các DNBH mới, với những giới hạn nhất định về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước: Tại sao bảo hiểm hàng không là lĩnh vực khó với nhiều doanh nghiệp nhỏ?

Ghi nhận của ĐTCK từ lãnh đạo một DNBH cho hay, các nhà đồng bảo hiểm chỉ đứng đằng sau hỗ trợ thêm, còn “quyền năng” chính vẫn thuộc về nhà bảo hiểm đứng đầu với chuỗi công việc từ tư vấn, đàm phán chương trình, cấp và quản lý đơn cũng như giải quyết các sự cố phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm.

Phía VNH cũng bày tỏ sự an tâm của mình: “Việc đội bay của VNH tiếp tục được bảo hiểm tại hai hãng bảo hiểm lớn và uy tín nhất trong nước, cùng với MIC, sẽ giúp cho VNH an tâm trong mọi hoạt động của mình”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng giám đốc VNH cho biết.

Bên cạnh việc bày tỏ sự hài lòng về những đóng góp của nhà bảo hiểm đứng đầu, ông Sơn còn đặc biệt ghi nhận vai trò của Bảo hiểm PVI trong công tác phòng ngừa, giải quyết tổn thất, khiếu nại trong bảo hiểm hàng không năm 2014.

Nếu so với hợp đồng bảo hiểm hàng không với Vietnam Airlines cùng giai đoạn 2015-2016, thì có thể thấy, hợp đồng bảo hiểm hàng không với VNH chưa phải là lớn, cả về số máy bay, tổng trị giá bảo hiểm lẫn mức trách nhiệm (hợp đồng với Vietnam Airlines bảo hiểm cho 82 chiếc máy bay, tổng giá trị bảo hiểm của đội tàu bay gần 6 tỷ USD, và được bảo hiểm với mức trách nhiệm tổng cộng lên tới 2 tỷ USD/vụ). Nhưng với “tân binh” như MIC, đây sẽ là bước đệm để DN này tiến xa hơn. Với lợi thế sẵn có, MIC được cho là sẽ sớm có mặt tại “sân chơi bầu trời” với Vietnam Airlines thời gian tới.

Ngoài MIC thì một số DN nhỏ khác là BSH, Bảo Long cũng khá sốt sắng với việc tham gia sân chơi trên.     

Tin bài liên quan