Lượng hàng hóa tham gia bảo hiểm còn chiếm tỷ trọng rất thấp

Lượng hàng hóa tham gia bảo hiểm còn chiếm tỷ trọng rất thấp

Bảo hiểm hàng hóa, báo động giảm phí tràn lan

(ĐTCK) Mặc dù hàng hóa tham gia bảo hiểm năm 2015 có tăng so với năm trước đó, nhưng tình trạng hạ phí bảo hiểm vẫn diễn ra khá tràn lan tại nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ.

Báo động giảm phí tràn lan

Tình trạng này luôn là điểm nóng tại các cuộc thảo luận trong ngành bảo hiểm thời gian qua. Tại một cuộc họp Ban bán chuyên trách bảo hiểm hàng hóa thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đầu năm 2016, nội dung này lại tiếp tục được mang ra bàn thảo.

Tại đây, các thành viên cũng cho rằng một số DN bảo hiểm hạ phí bảo hiểm rất nhiều, nhất là hàng xá (hàng rời, không có bao kiện đóng thùng đóng gói) có mức phí năm trước trung bình khoảng trên 0,3% giá trị hàng hóa thì đến năm 2015 giảm còn dưới 0,2%, trong khi chi phí giám định, đề phòng hạn chế tổn thất, thiếu hụt hàng qua cân khá cao.

"Do áp lực doanh thu, một số DN bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm thiếu hụt hàng xá (thức ăn gia súc, phân bón...) qua cân cũng như thiếu hụt trong quá trình đóng bao bất chấp tỷ lệ bồi thường không tốt".

“Một số DN bảo hiểm cạnh tranh bằng cách giảm phí phi kỹ thuật, hạ mức khấu trừ. Hiện tượng này không phải quá mới nhưng đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn. Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để hạn chế, hướng tới ngưng hẳn tình trạng này”, lãnh đạo một DN bảo hiểm phi nhân thọ đề xuất.

“Do áp lực doanh thu, một số DN bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm thiếu hụt hàng xá (thức ăn gia súc, phân bón...) qua cân cũng như thiếu hụt trong quá trình đóng bao bất chấp tỷ lệ bồi thường không tốt”, phụ trách mảng nghiệp vụ hàng hóa của một DN bảo hiểm chia sẻ thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc cạnh tranh phi kỹ thuật, không lành mạnh kiểu này chủ yếu do đơn vị kinh doanh cấp dưới của các DN bảo hiểm vi phạm.

Tại cuộc họp kể trên, các thành viên cũng nhất trí cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa, cần tăng cường trao đổi hơn nữa giữa các thành viên. Nếu xác định đó đúng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh/vi phạm khuyến cáo (kèm bằng chứng), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sẽ ra văn bản nhắc nhở DN bảo hiểm vi phạm và thông báo vi phạm cho toàn bộ các DN bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường. 

Và các vấn đề phát sinh

Năm 2015, bên cạnh tồn tại liên quan đến hạ phí còn là những hạn chế về tỷ lệ bồi thường, mặc dù tỷ lệ bồi thường thường xuyên chung toàn thị trường năm qua được đánh giá là không quá tồi (thường được thu xếp tái bảo hiểm cùng với bảo hiểm thân tàu do hoạt động đặc thù của loại hình bảo hiểm hàng hóa).

Theo đó, số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, dẫu nghiệp vụ bảo hiểm năm 2015 của thị trường giảm (theo báo cáo nhanh giảm khoảng 8% so với năm 2014, ước đạt khoảng 2.271 tỷ đồng). nhưng tỷ lệ bồi thường lại tăng, ước bồi thường 32% so với tỷ lệ bồi thường 22% năm 2014.

Giá trị tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng là do trong năm qua giá dầu giảm sâu, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm, tỷ trọng hàng hóa tham gia bảo hiểm trong nước còn thấp. Tổng phí nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng lớn nếu không may xảy ra các tổn thất lớn.

Mặc dù vậy, tiềm năng thị trường của nghiệp vụ bảo hiểm này vẫn còn khá lớn, mà theo đánh giá của các chuyên gia, ngoại trừ hàng xuất nhập khẩu của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) có tham gia bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm Samsung Vina (chuyển nhượng tái bảo hiểm chỉ định) thì tỷ trọng hàng hóa tham gia bảo hiểm trong nước là rất thấp.

Bảo hiểm hàng hóa hoàn toàn có cơ sở bứt phá để vươn lên chiếm tỷ trọng 2 con số (trên 10% tính trên doanh thu phí toàn thị trường phi nhân thọ). Và thực tế, năm 2014, theo thống kê từ Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), con số này đã ở mức 9,13%.

Điều đáng nói khác, Thông tư 194/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính từ khi có hiệu lực ngày 1/2/2015 đã góp phần hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường năm qua, giúp các DN bảo hiểm tận dụng cơ hội để đẩy mạnh phát triển nhóm khách hàng cá nhân và các nghiệp vụ bán lẻ với các điều kiện thông thoáng hơn đối với hoạt động của DN bảo hiểm.

Tuy nhiên, đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa, việc quy định về gia hạn nợ phí phải có tài sản đảm bảo theo thông tư trên lại gây khó khăn cho DN về thủ tục, ngoài ra, vấn đề thu phí đối với đơn bảo hiểm cấp cho từng chuyến hàng theo hợp đồng bao cũng cần được hướng dẫn rõ hơn.

Chưa kể, thị trường vẫn chưa có 1 bộ điều khoản mẫu về bảo hiểm hàng hóa bằng tiếng Việt chung do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ban hành để các DN bảo hiểm xem xét, áp dụng một cách thống nhất và là cơ sở để Tòa án, Trung tâm trọng tài có thể tham khảo, sử dụng khi xét xử các tranh chấp.

Về những vấn đề trên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết sẽ triển khai giải quyết trong năm 2016 này.              

Tin bài liên quan