Những yêu cầu về trách nhiệm bồi thường cho các công trình giao thông của Bộ Giao thông Vận tải đang “làm khó” các doanh nghiệp bảo hiểm

Những yêu cầu về trách nhiệm bồi thường cho các công trình giao thông của Bộ Giao thông Vận tải đang “làm khó” các doanh nghiệp bảo hiểm

Bảo hiểm gặp khó với “chuẩn” mời thầu của Bộ Giao thông

(ĐTCK) Mới đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã có công văn gửi lên Bộ Giao thông Vận tải, sau khi một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ than khó đáp ứng được yêu cầu mời thầu về bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba tại các dự án xây dựng, lắp đặt của Bộ.

Theo công văn này, những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ Thông báo số 256/TB-BGTVT gửi các bên liên quan hôm 19/5/2016 của Bộ Giao thông Vận tải tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ một số dự án sử dụng vốn dư Quốc lộ 1 liên quan đến công tác bảo hiểm công trình trong giai đoạn thi công.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án (trong vai trò là người được bảo hiểm) có trách nhiệm thống nhất với các doanh nghiệp bảo hiểm (được đề nghị nhận hồ sơ yêu cầu thực hiện công tác bảo hiểm công trình) phải đảm bảo có trách nhiệm bồi thường toàn bộ tổn thất xảy ra đối với bên thứ ba (nhà ở, công trình của cá nhân, tổ chức) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công xây dựng công trình. Trên cơ sở đó, báo cáo Bộ xem xét, chấp thuận nhà thầu được nhận hồ sơ yêu cầu gói thầu bảo hiểm công trình của dự án.

Thông báo trên đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu mời thầu của dự án khi cam kết bồi thường toàn bộ tổn thất xảy ra đối với bên thứ ba, không khấu trừ bồi thường, không giới hạn trách nhiệm cho mỗi vụ tổn thất và không giới hạn tổng giá trị bồi thường. Các điều kiện này, theo các doanh nghiệp bảo hiểm là không khả thi, vượt quá khả năng đáp ứng của họ.

Theo quy định tại Điểm 3, Điều 42, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 thì “mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro, hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu”. Nhưng với yêu cầu mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra thì trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trở nên “không có giới hạn” và không có cách thức để tính toán mức phí giữ lại theo đúng quy định.

Trong khi đó, nguyên lý chung của bảo hiểm là trong hợp đồng bảo hiểm phải xác định được tổng mức trách nhiệm bảo hiểm (số tiền bảo hiểm, hoặc giới hạn trách nhiệm bồi thường), chứ không thể không có giới hạn trách nhiệm. Trên cơ sở đó, cùng với việc đánh giá các yếu tố rủi ro khác, doanh nghiệp bảo hiểm mới tính được phí bảo hiểm. Về phía người được bảo hiểm, ở đây là Ban Quản lý dự án, cũng có thể lựa chọn mua bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba với hạn mức trách nhiệm cao, đủ để bồi thường rủi ro đối với bên thứ ba và hạn mức cao này được thể hiện bằng số tiền bảo hiểm cụ thể. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tính mức phí bảo hiểm tương ứng với mức trách nhiệm.

Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm còn đưa ra yêu cầu về việc áp dụng mức khấu trừ bồi thường (để nâng cao trách nhiệm của người được bảo hiểm), chứ không thể là “không khấu trừ” theo tinh thần của thông báo trên. Đó là chưa kể việc giải quyết bồi thường cũng phải có nguyên tắc.

“Việc giải quyết bồi thường cũng phải căn cứ theo các điều kiện, điều khoản, điểm loại trừ trong quy tắc, hợp đồng/đơn bảo hiểm do hai bên ký kết sau khi được thống nhất. Bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng không thể cam kết có trách nhiệm bồi thường toàn bộ tổn thất xảy ra đối với bên thứ ba, kể cả những trường hợp loại trừ bảo hiểm ghi trong hợp đồng/đơn bảo hiểm”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký phụ trách IAV lý giải.

Đồng thời, một nguyên tắc nữa mà Bộ Giao thông Vận tải có thể chưa nắm rõ, đó là trong kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm còn phải thực hiện tái bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài chính theo quy định. Do đó, việc không xác định được tổng mức trách nhiệm (do không hạn chế số vụ tổn thất và giới hạn trách nhiệm tối đa tính trên mỗi vụ tổn thất) dẫn đến không có căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm đó thu xếp tái bảo hiểm.

“Hợp đồng tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm theo thông lệ chung của quốc tế, luôn quy định cụ thể mức trách nhiệm tối đa của mỗi hợp đồng bảo hiểm xây dựng/lắp đặt, chứ không chấp nhập hợp đồng có mức trách nhiệm không cụ thể hay vô hạn”, đại diện của một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trên, ngày 16/9 vừa qua, IAV đã gửi công văn kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải. Bênh cạnh việc phản ánh chi tiết những vướng mắc mà doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải, IAV còn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại nội dung của Thông báo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo hiểm cho các công trình, dự án xây dựng/lắp đặt giao thông vận tải theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.         

Tin bài liên quan