Người dân chưa mặn mà với các sản phẩm bảo hiểm cháy nổ, dù có nhiều sản phẩm đa dạng với mức phí cạnh tranh

Người dân chưa mặn mà với các sản phẩm bảo hiểm cháy nổ, dù có nhiều sản phẩm đa dạng với mức phí cạnh tranh

Bảo hiểm cháy nổ : “Mất bò vẫn không lo làm chuồng”

(ĐTCK) Cháy nổ nhà là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều hộ gia đình. Sau các vụ cháy, nhiều nạn nhân không chỉ đối mặt với nỗi đau mất người thân mà còn phải đương đầu với viễn cảnh kiệt quệ về kinh tế khi toàn bộ tài sản đã bị thiêu rụi. 

Tuy nhiên, khái niệm về mua một sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ gia đình trước những rủi ro này gần như không tồn tại trong suy nghĩ của các hộ gia đình.

Rạng sáng ngày 25/9/2017, thêm một thảm kịch cháy nhà đã xảy ra tại căn nhà 5 tầng ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Nạn nhân lần này là hai con gái của chủ nhà. Không chỉ thiệt hại về người, sau vụ cháy, toàn bộ tài sản trong nhà đã bị phá hủy. Điều đáng nói là những thảm họa thương tâm như thế này đã xảy ra rất nhiều lần tại Hà Nội nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung.

Tương tự Hà Nội, TP. HCM cũng là địa bàn nóng về cháy nổ nhà dân trong những năm gần đây. Đại diện Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP. HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó có 300.000 hộ gia đình vừa nhà ở kết hợp với kinh doanh, làm các dịch vụ. Đây là những đối tượng có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ trong quá trình hoạt động.

Chưa kể, các ngôi nhà ống mặt phố vẫn được xây theo kiểu chuồng cọp không có lối thoát hiểm, nhiều căn nhà nằm sâu trong ngõ hẹp nên lực lượng cứu hỏa gặp quá nhiều khó khăn trong việc cứu người và tài sản. Thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 400 vụ cháy nhà dân khiến 30 người thiệt mạng. Ước tính, thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng.

Theo ông Cao Bá Huy, Phó tổng giám đốc PTI, trước thực trạng cháy nhà dân đang xảy ra với tần suất lớn như thời gian gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm liên tục đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm cháy nổ với mức phí cơ bản rất hợp lý.

Chẳng hạn, gói bảo hiểm An sinh Bưu điện bao gồm các quyền lợi bảo hiểm như bảo hiểm tai nạn cho cả hộ gia đình; bảo hiểm vật chất và trộm cướp xe máy; bảo hiểm nhà và tài sản bên trong ngôi nhà… với mức phí cơ bản chưa đến 1 triệu đồng/năm. Đây cũng là gói sản phẩm trọn gói đầu tiên dành cho hộ gia đình được đưa ra trên thị trường. Dù vậy, sự hưởng ứng của người dân trước các sản phẩm là chưa tích cực.

Mặc dù cháy nổ, tai nạn xảy ra liên tục nhưng hầu hết các gia đình hiện nay chưa quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy, cũng như tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm cháy nổ, hoặc bảo hiểm thiệt hại vật chất, trộm cướp xe máy và tai nạn 24/7 cho cả gia đình.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, gần như 100% hộ gia đình ở nhà đất, nhà ống không mua bảo hiểm cháy nổ, trong khi, đây là đôí tượng có nhiều rủi ro thiệt hại nhất.

Tỷ lệ các gia đình mua bảo hiểm tập trung chủ yếu là căn hộ chung cư hoặc các hộ kinh doanh cá thể. Đối tượng này mua bảo hiểm do quy định bắt buộc của pháp luật, hoặc đôi khi, mua để chống đối khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ hiện chỉ chiếm khoảng 7 - 10% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhà tư nhân ước tính chỉ chiếm 1 - 2% tổng doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ nói chung.

Thực tế, vì doanh thu quá nhỏ nên các công ty bảo hiểm cũng không tách riêng phí bảo hiểm nhà tư nhân (doanh thu phí bảo hiểm tư nhân của một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần khá lớn trên thị trường trong 1 năm chỉ vào khoảng 9 – 10 tỷ đồng).

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một số công ty bảo hiểm đều nhìn nhận rằng, trên thị trường bảo hiểm cháy nổ nói chung và bảo hiểm cháy nổ nhà tư nhân nói riêng hiện nay, các sản phẩm rất đa dạng với mức phí khá cạnh tranh. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là ý thức của người dân trong việc chủ động mua các sản phẩm bảo hiểm cần thiết để bảo vệ gia đình trước các rủi ro trong cuộc sống.

Tin bài liên quan