Vì sao chi phí cho hệ thống bảo hiểm xã hội quá lớn

Trong khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu do lo ngại vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thì mới đây Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2015 cho biết, chi phí cho hệ thống BHXH quá lớn. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh trao đổi về vấn đề này.     

Ông nói gì về việc năm 2015, BHXH chi quản lý hơn 7.407 tỷ đồng, tăng gần 76% so với năm 2014?

Cùng với thời gian làm thủ tục hành chính thuế, thời gian làm thủ tục BHXH kéo dài là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam bị đánh giá thấp.

Chính vì vậy, Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thời gian làm thủ tục BHXH là 45 giờ/năm, tức là bằng với các nước ASEAN-3.

Vì sao chi phí cho hệ thống bảo hiểm xã hội quá lớn  ảnh 1

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh 

Muốn thực hiện được mục tiêu trên, cần nhiều yếu tố, trong đó đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin là quan trọng nhất. Bởi chỉ có áp dụng công nghệ thông tin, mới có thể kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách bảo hiểm. Vì vậy, năm 2015, số chi cho ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử của BHXH lên tới 1.167 tỷ đồng trong tổng số 7.407 tỷ đồng chi quản lý.

Kết quả là, BHXH đã thực hiện rất tốt việc giảm thời gian làm thủ tục bảo hiểm. Vì vậy, Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2017, thời gian làm thủ tục BHXH là 49 giờ, tức là phải bằng với các nước ASEAN-4.

Thế còn số tiền chi cho công tác tuyên truyền mở rộng khách hàng của BHXH năm 2015 lên tới 699 tỷ đồng thì sao?

Hiện cả nước có 75,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, bằng 82% dân số; khoảng 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc, 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện, bằng 23% lực lượng lao động; và 11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bằng 20% lực lượng lao động.

Số người tham gia bảo hiểm thấp được nhiều chuyên gia và Tổ chức Lao động quốc tế chỉ ra là nguyên nhân có thể dẫn đến vỡ Quỹ BHXH trong tương lai. Chính vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 80% lực lượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 50% người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH.

Muốn đạt được mục tiêu này, cần nhiều cơ chế, chính sách, trong đó công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích khi tham gia bảo hiểm vô cùng quan trọng. Thực tế hiện nay, nhận thức của không ít chủ sử dụng lao động, người lao động về bảo hiểm còn hạn chế, tình trạng người lao động ngừng tham gia và yêu cầu nhận bảo hiểm một lần còn phổ biến; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương (tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính đến ngày 30/11/2016 là 13.135 tỷ đồng).

Chỉ riêng năm 2015, đầu tư cho công nghệ thông tin và giao dịch điện tử lên tới 1.167 tỷ đồng, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, hiệu quả hoạt động của bộ máy BHXH không tương xứng với số tiền đầu tư?

Biên chế của hệ thống BHXH hiện nay là 20.500 người, năm 2016 phục vụ gần 3 triệu người hưởng lương hưu; tổ chức khám chữa bệnh cho 146 triệu lượt người. Chia bình quân, một cán bộ, công chức ngành bảo hiểm phục vụ 3.700 người tham gia các loại bảo hiểm; tổ chức thu - chi trên 20 tỷ đồng, khối lượng công việc ngày càng lớn hơn do biên chế không được tăng trong khi đối tượng tham gia các loại bảo hiểm tiếp tục tăng theo mục tiêu đã đặt ra.

Trong khi đó, hệ thống BHXH của Singapore có khoảng 1.600 biên chế phục vụ 7,3 triệu người, tức là một cán bộ cũng chỉ phục vụ 4.560 người, bằng 123% Việt Nam, trong khi năng suất lao động bình quân của nước ta mới chỉ bằng 4,4% Singapore. Tôi cho rằng, khi đánh giá cũng phải có cái nhìn khách quan, công bằng và có số liệu của các nước để so sánh.

Vậy đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu có phải là do lo ngại vỡ Quỹ BHXH không, thưa ông?

Quốc hội đã ban hành Luật BHXH năm 2015 thay cho Luật BHXH năm 2006 nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế tự nguyện; từng bước tính lương hưu của lao động khu vực nhà nước và ngoài nhà nước như nhau; kéo dài thời gian đóng BHXH đối với nữ từ 25 năm lên 30 năm và nam từ 30 năm lên 35 năm.

Với các cơ chế, chính sách mới, theo tôi, phải còn rất lâu nữa lo ngại Quỹ BHXH mới có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, BHXH là chính sách an sinh xã hội vô cùng quan trọng, ảnh hưởng, tác động tới tuyệt đại đa số người dâ,n nên dứt khoát không thể để Quỹ rơi vào tình trạng mất cân đối. Vì vậy, kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những giải pháp phải tính đến để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Quỹ BHXH.

Tin bài liên quan