Lãnh đạo Bộ Lao động cho rằng mức đóng bảo hiểm từ năm 2018 không tăng nhiều. Ảnh: Ngọc Thành

Lãnh đạo Bộ Lao động cho rằng mức đóng bảo hiểm từ năm 2018 không tăng nhiều. Ảnh: Ngọc Thành

4 thay đổi lớn về chính sách bảo hiểm xã hội từ năm 2018

Người lao động sẽ phải đóng tăng số năm để được hưởng mức lương hưu tối đa, mức đóng hàng tháng cộng thêm các khoản bổ sung.

Thêm hai đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Từ ngày 1/1/2018, bên cạnh những người đóng bảo hiểm xã hội buộc theo quy định lâu nay, thêm hai trường hợp phải tham gia, đó là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng đến dưới ba tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Bổ sung nhiều khoản thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội 

Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng bao gồm mức lương cộng phụ cấp lương. Từ năm 2018, mức đóng bao gồm mức lương cộng phụ cấp lương và các khoản bổ sung (có tính chất ổn định). 

Trong đó khoản bổ sung là mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, và trả thường xuyên cho người lao động trong mỗi kỳ trả lương. 

Các chế độ phúc lợi khác như tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại... được tính là khoản thu nhập bổ sung không ổn định, nên không được tính để đóng bảo hiểm xã hội. 

Phạt đến 7 năm tù với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung tội phạm quy định liên quan đến hành vi nêu trên.  Tình tiết phạm tội nặng nhất là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến một tỷ  đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm với trường hợp trốn đóng bảo hiểm một tỷ đồng đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động. 

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 600.000 doanh nghiệp thì mới có hơn 250.000 đơn vị đóng bảo hiểm cho người lao động. Hiện nay có hơn 2 triệu người lao động trong diện bị nợ đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp nhỏ. 

Tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu tối đa

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Để được hưởng mức lương hưu tối đa, hiện nay lao động nữ phải đóng đủ 25 năm bảo hiểm xã hội, song từ 2018 sẽ phải đóng đủ 30 năm. 

Lao động nam hiện nay phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội. Từ năm 2018, nam giới phải đóng 31 năm nếu nghỉ hưu vào năm 2018, đóng 32 năm nếu nghỉ  hưu vào năm 2019, đóng 33 năm nếu nghỉ hưu vào năm 2020, đóng 34 năm nếu nghỉ hưu năm 2021, đóng 35 năm nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. 

Với quy định mới, áp dụng cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị mất 10% lương. 

Theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khoảng 3.000 lao động nữ nghỉ hưu bị thiệt thòi do chính sách thay đổi. Bộ Lao động sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tăng lương hưu cho số lao động này. 

Tin bài liên quan